CHI PHÍ VÀ TÍNH LÃI SUẤT TRONG VỤ KIỆN TRỌNG TÀI: GÓC NHÌN CỦA LUẬT ANH

Nguyễn Trung Nam (Tony) – Luật sư sáng lập EPLegal

Bài viết này giải thích ngắn gọn về các nguyên tắc phân bổ chi phí trong vụ kiện trọng tài theo góc nhìn của pháp luật Anh và pháp luật Việt Nam, điều này hỗ trợ Hội đồng trọng tài và các bên xác định hoặc đệ trình phân bổ chi phí trong phạm vi của những hệ thống pháp luật tương ứng. Bài viết cũng giới thiệu sơ bộ về phương thức tính lãi trong vụ kiện trọng tài dưới góc độ so sánh.

  1. Những chi phí nào sẽ được phân bổ?

Theo Điều 59 của Arbitration Act 1996, những chi phí được phân bổ bao gồm: (a) phí và chi phí của các trọng tài viên, (b) phí và chi phí của bất kỳ tổ chức trọng tài liên quan, và (c) chi phí pháp lý hoặc chi phí khác của các bên.

Trên thực tế, những chi phí sau đã được xác lập rõ ràng trong trọng tài quốc tế:

(a)  Chi phí của Hội đồng trọng tài (“HĐTT”) và, trong tổ chức trọng tài, chi phí phải trả cho bên điều hành thủ tục tố tụng trọng tài (thường được tổ chức trọng tài ấn định trước);

(b)  Những chi phí hợp lý cho việc đi lại và các chi phí khác phát sinh của các trọng tài viên;

(c)  Phí tư vấn của chuyên gia và các chi phí hỗ trợ khác theo yêu cầu của HĐTT (ví dụ: phí dịch thuật, báo cáo tòa án)

(d)  Những chi phí hợp lý cho việc đi lại hoặc chi phí khác của những người làm chứng đã được HĐTT phê duyệt;

(e)  Chi phí pháp lý hợp lý và những chi phí phát sinh của các bên liên quan đến vụ kiện trọng tài;

(f)  Bất kỳ phí hoặc chi phí nào của cơ quan chỉ định theo yêu cầu của các bên.

Đã có những thảo luận về việc chi phí chung của các bên (ví dụ như là luật sư nội bộ và nhân chứng) tham gia vào quá trình trọng tài có được tính là chi phí trong trọng tài hay không, nhưng việc phân bổ các chi phí này hiếm khi được các bên đệ trình lên HĐTT. Thông thường, những chi phí pháp lý và phí chuyên môn khác mà các bên đã chi (ví dụ như chi phí liên quan đến chậm trễ, tư vấn định lượng và chuyên gia pháp lý) sẽ được chú trọng hơn, vì trong phần lớn của các trường hợp, các bên sẽ không đồng ý về điều này khi việc tính toán các chi phí có liên quan tới nguyên tắc phân bổ chi phí.

Luật Trọng Tài Thương Mại (“LTTTM”) chỉ đưa ra một định nghĩa khá hạn chế cho chi phí trọng tài (nhưng không nhất thiết là chi phí) gồm những nội dung sau:

(a) Thù lao Trọng tài viên, chi phí đi lại và các chi phí khác cho trọng tài viên;

(b) Phí tham vấn chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của HĐTT;

(c) Phí hành chính;

(d)  Phí chỉ định Trọng tài viên vụ việc của Trung tâm trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp;

(e)  Phí sử dụng các dịch vụ tiện ích khác được cung cấp bởi Trung tâm trọng tài.

Những phí pháp lý và phí tư vấn chuyên môn khác (chẳng hạn như chuyên gia kỹ thuật/pháp lý) mà các bên chỉ định tham gia (nhưng không nhất thiết theo yêu cầu của HĐTT) thường chiếm phần lớn nhất trong chi phí trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, LTTTM không đề cập tới các chi phí này. Đây là một lỗ hổng lớn trong LTTTM cần được hoàn chỉnh để phát triển trong tương lai.

Mặc dù pháp luật về trọng tài thương mại Việt Nam và trọng tài quốc tế có độ vênh nhất định, nhưng tại Trung Tâm Trọng Tài Việt Nam (“VIAC”) – tổ chức trọng tài lớn nhất tại Việt Nam, các trọng tài viên của VIAC thường chấp nhận rằng nguyên tắc về phí trọng tài theo quy định của LTTTM cũng có thể áp dụng đối với phí pháp lý và phí chuyên gia được các bên chỉ định.

  1. Nguyên tắc chung về phân bổ chi phí

Trong luật trọng tài Anh, HĐTT có toàn quyền quyết định về chi phí theo cách mà họ thấy phù hợp. Các chi phí thường được xác định dựa trên cơ sở tiêu chuẩn, trừ khi có quyết định khác. “Cơ sở tiêu chuẩn” này được Civil Procedural Rules ở Anh (trương đương với Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam) diễn giải như sau:

(a)  HĐTT chỉ cho phép các chi phí tương xứng với các vấn đề tranh chấp. Các chi phí không cân xứng với khoản tranh chấp có thể bị gạt bỏ hoặc điều chỉnh giảm ngay cả khi những chi phí đấy là các chi phí phát sinh một cách hợp lý hoặc cần thiết; và

(b)  Khi có bất kỳ nghi ngờ nào về việc liệu chi phí có phát sinh một cách hợp lý và tương xứng hoặc số tiền yêu cầu có hợp lý và tương xứng với vụ việc hay không, HĐTT sẽ xem xét theo hướng có lợi cho bên phải thanh toán.

  1. Ngoại lệ

Trong những trường hợp sau HĐTT có thể không áp dụng nguyên tắc chung nói trên mà có thể áp dụng theo cơ sở bồi hoàn để phân bổ chi phí:

  • Nguyên đơn phóng đại rất lớn số tiền mình yêu cầu;
  • Hành xử không thể chấp nhận được của một trong các bên;
  • Bên thắng kiện bị thiệt hại do một vấn đề khác rất tốn thời gian;
  • Đề nghị được niêm phong hay thường được gọi là “Part 36 offer”. Điều này có nghĩa là nếu bên thắng kiện từ chối đề nghị bằng hoặc nhiều hơn khoản tiền mà họ được trao, thì mọi chi phí phát sinh từ thời điểm đề nghị được đưa ra trở đi sẽ do Nguyên đơn chịu.

Trong trường hợp chi phí được đánh giá trên cơ sở bồi hoàn, HĐTT sẽ không xem xét yếu tố cân xứng mà chỉ kiểm tra tính hợp lý. Ngoài ra, khi có bất kỳ nghi ngờ nào về liệu chi phí đã phát sinh một cách hợp lý hay không, HĐTT sẽ xem xét theo hướng có lợi cho bên nhận thanh toán.

Trong cả hai trường hợp trên, HĐTT sẽ không cho phép chi phí phát sinh bất hợp lý hoặc số tiền không hợp lý.

  1. Trường hợp các bên có thỏa thuận trước về chi phí?

Thông thường, HĐTT sẽ ưu tiên thực hiện theo thỏa thuận của các bên để phân bổ chi phí, nhưng HĐTT sẽ đối chiếu với luật xem có quy định bắt buộc nào giới hạn thỏa thuận các bên không. Ví dụ, theo Luật Anh, các bên chỉ có thể thỏa thuận tự chịu chi phí của mình sau khi phát sinh tranh chấp. Nếu các bên thỏa thuận ngay trong hợp đồng ban đầu là các bên tự chịu chi phí của mình thì thỏa thuận này sẽ không có hiệu lực.

Việc chi phí phân bổ trong vụ kiện trọng tài là vấn đề về thủ tục (trái với vấn đề về nội dung) và sẽ được điều chỉnh bởi luật của địa điểm giải quyết tranh chấp. Nếu đây là một vấn đề về nội dung, thì luật điều chỉnh hợp đồng sẽ được áp dụng để xác đinh các vấn đề chi phí. Đối với các vụ kiện SIAC gần đây với một hoặc các bên liên quan là người Việt Nam, HĐTT có xu hướng áp dụng các nguyên tắc chung về phân bổ chi phí trong trọng tài quốc tế mặc dù luật Việt Nam có thể được coi là luật điều chỉnh nội dung hợp đồng.

Trong vụ kiện ICC được xét xử tại Việt Nam gần đây, Trọng tài viên duy nhất vẫn chấp nhận dẫn chiếu tới án lệ nước ngoài để phân bổ chi phí theo đề xuất của một bên mặc dù địa điểm giải quyết tranh chấp là Việt Nam. LTTTM quy định HĐTT có quyền rất lớn trong việc phân bổ chi phí, do đó, HĐTT lập luận dựa trên bất kỳ nguyên tắc hợp lý nào, trừ khi luật của nơi xét xử có điều khoản bắt buộc để cản trở việc đấy.

  1. Lãi suất

Việc xác định lãi suất là vấn đề về nội dung hay thủ tục đang được xem xét. Về nguyên tắc, một khi điều khoản về tiền lãi được quy định rõ ràng trong hợp đồng, thì điều khoản đó sẽ trở thành quyền và nghĩa vụ của cả hai bên, do đó, điều khoản đó sẽ được điều chỉnh theo luật nội dung của hợp đồng và các hạn chế bắt buộc có thể áp dụng cho việc tính lãi.

Theo luật của Anh, các bên có quyền tự do thỏa thuận về quyền hạn của trọng tài liên quan đến việc phán quyết về lãi suất, bao gồm cả việc áp dụng lãi suất đơn hay lãi kép.

Theo luật pháp Việt Nam, lãi suất có thể bị giới hạn bởi quy định pháp luật.5 Trong một vụ kiện SIAC, hợp đồng quy định bên vi phạm có nghĩa vụ trả lãi chậm trả là 21%, trong đó, luật điều chỉnh hợp của đồng là luật Việt Nam. HĐTT cho rằng thỏa thuận này không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự (luật của nơi xét xử). Bộ luật dân sự không cho phép lãi phạt vượt quá 20%, do đó, HĐTT đã điều chỉnh lãi chậm trả về mức 20% cho phù hợp.

  1. Kết luận

Những nguyên tắc về chi phí trong trọng tài quốc tế là những nguyên tắc khá đơn giản và hợp lý. Vì sẽ có chi phí phát sinh trong suốt quá trình tố tụng trọng tài, những khoản phí đó phải được phân bổ giữa các bên và có thể thu hồi được trên cơ sở hợp lý. Nói chung, bên thua kiện sẽ chịu chi phí trọng tài và chi phí pháp lý (và các chi phí liên quan khác) cho bên thắng kiện. Tuy nhiên, Tòa án có quyền lực rộng, mặc dù dựa trên cơ sở chính đáng, để rời khỏi nguyên tắc chi phí này và phân bổ chi phí như một công cụ để phản ánh các bên tiến hành tố tụng trọng tài. Liên quan đến lãi suất, đó là vấn đề của luật nội dung và mặc dù các bên được tự do thỏa thuận về lãi, những hạn chế theo luật nội dung (nếu có) sẽ hạn chế quyền tự chủ của các bên.

 

Phân biệt Phân quyền và Ủy quyền trong hoạt động quản trị doanh nghiệp

Thảo Tạ 

Trong công tác quản trị doanh nghiệp hiện nay, mô hình phân quyền và ủy quyền đang được áp dụng phổ biến. Mô hình này không chỉ giúp doanh nghiệp phản ứng kịp thời, nhanh chóng thích nghi với những biến động của thương trường, mà còn tác động đến vấn đề quản trị nhân sự, quản trị chiến lược và kiểm soát nội bộ công ty.

Phân quyền và các xu hướng của phân quyền 

Khác với hành vi “ủy quyền” đã được luật hóa trong Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) và Luật Doanh nghiệp 2020 (LDN), hoạt động phân quyền của doanh nghiệp hiện nay chưa được định nghĩa cụ thể trong các văn bản pháp luật cụ thể.

Phân quyền được hiểu là việc phân chia quyền lực cho cấp dưới, là hoạt động phân phối trách nhiệm nhiệm thông qua chức năng của tổ chức và là một trong những quyết định quan trọng của công tác quản lý.

Việc phân cấp, phân quyền được xác lập thông qua các văn bản pháp luật cũng như văn bản nội bộ của doanh nghiệp, mà cơ bản nhất là các quy định tại LDN; Điều lệ công ty và Bộ quy tắc quản trị Công ty. Đây là các văn bản đóng vai trò quyết định trong việc hoàn thiện mô hình phân cấp, phân quyền để xác định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp.

Việc phân quyền có thể được phân loại dựa trên một số nguyên tắc: Phân quyền theo kết quả mong muốn; Xác định theo chức năng; Nguyên tắc bậc thang; Nguyên tắc quyền hạn theo cấp bậc; Nguyên tắc tương xứng giữa quyền hạn và trách nhiệm; v.v. Dựa vào các nguyên tắc đó, có hai xu thế phân quyền phổ biến hiện nay:

Thứ nhất, xu thế tập trung quyền lực quyết định vào người quản lý. Theo đó, người chủ doanh nghiệp sẽ nắm quyền quyết định; các chức danh quản lý, thậm chí cả thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Ban Giám đốc chỉ là hình thức mà không có thực quyền. Điều này đồng nghĩa với việc người chủ doanh nghiệp phải đưa ra quyết định một cách nhanh chóng, thậm chí là vội vàng mà không có thời gian cân nhắc nội dung của quyết định. Ngược lại, nếu dành thời gian để xem xét kỹ nội dung quyết định, giao dịch, việc trì hoãn, chậm trễ là điều không thể tránh khỏi.

Thứ hai, xu thế phân quyền tối đa cho cấp dưới. Không ít doanh nghiệp có quan niệm phân quyền tối đa cho cấp dưới để giảm tải công việc quản lý và phát huy tối đa tính chủ động của các bộ phận trong doanh nghiệp. Một doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ thể hiện sự phân quyền thông qua sơ đồ tổ chức, cơ cấu bộ máy công ty với các phòng, ban chức năng riêng và các chức danh, nhiệm vụ đi kèm. Hiện nay, việc Chi nhánh của Doanh nghiệp tự mình giao dịch và quyết định ký kết Hợp đồng là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, chỉ khi xảy ra tranh chấp, vấn đề liên quan đến thẩm

quyền ký kết của Chi nhánh mới được mang ra thẩm định. Căn cứ Điều 84 BLDS và Điều 44 LDN, Chi nhánh là đơn vị hoạt động phụ thuộc vào Doanh nghiệp mở chi nhánh, thay Doanh nghiệp thực hiện một phần hoặc toàn bộ chức năng (bao gồm cả chức năng đại diện) và không có tư cách pháp nhân. Do đó, người đứng đầu Chi nhánh chỉ có thể thay mặt Doanh nghiệp ký kết hợp đồng khi được sự ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp mở Chi nhánh. Qua ví dụ trên, việc phân quyền rộng cho cấp dưới phải gắn liền với quy trình chi tiết, chặt chẽ, phù hợp với quy định pháp luật để điều chỉnh và hướng dẫn người được phân quyền tuân thủ nghiêm túc, tránh tình trạng vượt quá phạm vi ủy quyền, làm phát sinh rủi ro pháp lý cho Doanh nghiệp.

Một câu hỏi thường được đặt ra là việc phân quyền bằng một văn bản giao hoặc phân công nhiệm vụ có tạo thành một văn bản ủy quyền theo pháp luật hay không? Để trả lời câu hỏi này cần làm rõ nội dung khái niệm ủy quyền theo pháp luật Việt Nam.

Uỷ Quyền 

Ủy quyền là một trong hai hình thức đại diện theo quy định của pháp luật được ghi nhận tại Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015.1 Ủy quyền là việc cá nhân/pháp nhân cho phép cá nhân/pháp nhân khác có quyền đại diện mình quyết định, thực hiện một giao dịch dân sự và người ủy quyền vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi do người nhận ủy quyền thực hiện trong phạm vi và thời hạn ủy quyền.2 Hiện nay pháp luật dân sự đã có quy định về quyền và nghĩa vụcủa bên ủy quyền, bên được ủy quyền tại các Điều 565-568 Bộ luật Dân sự 2015. Theo Điều 567.2 BLDS, bên ủy quyền phải chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền. Mặt khác, nếu bên được ủy quyền thực hiện hành vi vượt quá phạm vi mình được ủy quyền, hoặc có vi phạm các nghĩa vụ khác trong thỏa thuận ủy quyền, thì người ủy quyền có thể kiện đòi bồi thường thiệt hại do những vi phạm đó gây ra.

Một vấn đề chưa rõ ràng theo luật, đó là nếu bên được ủy quyền vượt quá thẩm quyền, thì giao dịch được tạo ra do người được ủy quyền cam kết mà cam kết đó vượt quá thẩm quyền có giá trị pháp lý hay không? Có vẻ như nếu hiểu một cách ngầm định theo Điều 567.2 BLDS thì người ủy quyền sẽ không chịu trách nhiệm gì về cam kết vượt quá thẩm quyền được ủy quyền. Tuy nhiên, điều này có thể tạo ra nhiều sự phiền toái cũng như không công bằng cho bên thứ ba giao dịch với doanh nghiệp, bởi không phải lúc nào họ cũng có đủ thời gian và nguồn lực để tìm hiểu rõ ngọn ngành phạm vi ủy quyền là gì và giao dịch nào thì vượt quá phạm vi ủy quyền. Đặc biệt trong một số trường hợp, bên ủy quyền có sự thể hiện bằng hành vi hoặc sự phân công nhiệm vụ nhằm thể hiện rằng người thực hiện giao dịch đã có sự ủy quyền phù hợp, ví dụ như giám đốc văn phòng đại diện ký thỏa thuận lao động, giám đốc bộ phận hành chính ký thỏa thuận mua sắm hàng hóa đồ dùng văn phòng, giám đốc bán hàng đưa ra cam kết về bảo hành với khách hàng… Trong những trường hợp như vậy, bên thứ ba thường sẽ ngầm hiểu là người đại diện cho doanh nghiệp giao dịch với mình đã có thẩm quyền. Trong pháp luật của các nước (ví dụ luật Anh, Mỹ), thường có sự mở rộng trách nhiệm của công ty trong cam kết với bên thứ ba trong trường hợp bên thứ ba ngay tình không thể biết được giới hạn chính xác của phạm vi được ủy quyền. Để tránh rủi ro về việc người được ủy quyền vượt thẩm quyền trong bối cảnh pháp luật chưa rõ ràng, cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba là yêu cầu doanh nghiệp cung cấp văn bản ủy quyền có thể hiện rõ phạm vi ủy quyền bao gồm việc thực hiện các giao kết thay mặt cho doanh nghiệp.

Về thẩm quyền ủy quyền trong quản lý doanh nghiệp. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, chỉ người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mới có thể xác lập quan hệ ủy quyền quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, người được ủy quyền cũng có thẩm quyền ủy quyền bằng cách ủy quyền lại cho người thứ ba khi (i) được sự đồng ý của người ủy quyền hoặc (ii) do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.3

Về hình thức, việc đại diện theo ủy quyền diễn ra rất phổ biến, các bên có thể thỏa thuận tiến hành giao dịch bằng nhiều hình thức, kể cả bằng lời nói. Tuy nhiên việc ủy quyền từ người đại diện theo pháp luật trong hoạt động quản lý doanh nghiệp phải được lập thành văn bản thì mới có giá trị.

Trên thực tiễn, việc ủy quyền trong nội bộ công ty có thể được thực hiện thông qua (i) ủy quyền vụ việc; và (ii) ủy quyền thường xuyên. Đối với hình thức thứ nhất, việc ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân, thay mặt công ty thực hiện công việc được tiến hành thông qua văn bản ủy quyền đối với từng vụ việc cụ thể. Đây được xem là cách thức ủy quyền phổ biến nhất, diễn ra hàng ngày, giữa các chủ thể khác nhau trong cùng doanh nghiệp. Phương thức thứ hai là việc ủy quyềnthường xuyên bằng quyết định quản trị nội bộ hoặc thông qua quy chế hoạt động của doanh nghiệp, ví dụ như Phó Giám đốc thực hiện một công việc thuộc lĩnh vực cụ thể trong khoảng thời gian xác định được Giám đốc ủy quyền theo quy chế làm việc của Ban Giám đốc.

Tóm lại, về bản chất và hình thức thì ủy quyền và phân quyền hoàn toàn khác nhau vì ủy quyền là việc thỏa thuận bằng văn bản giữa người ủy quyền và người được ủy quyền để nhân danh người ủy quyền thực hiện một công việc nào đó trong một thời gian nhất định. Còn phân quyền có nghĩa là người có chức vụ cao hơn phân chia quyền lực cho cấp dưới. Mặc dù về hình thức, việc phân quyền bằng văn bản nếu được người đại diện theo pháp luật ký và có bao gồm nội dung ủy quyền sẽ có thể được coi là đã thỏa mãn điều kiện của một văn bản ủy quyền, nhưng dựa trên hai bản chất khác nhau của hai loại hành vi này, cách tốt nhất là chúng được thực hiện thông qua các văn bản độc lập. Hành vi ủy quyền trong quản trị doanh nghiệp cần được xác lập dưới hình thức văn bản, có thể là giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (hoặc người được ủy quyền được phép ủy quyền lại) ký. Trong khi đó, việc phân quyền được xác lập thông qua các văn bản pháp luật và văn bản nội bộ của công ty (ví dụ như Điều lệ, quyết định phân công nhiệm vụ).

EPLegal – Bản tin tháng 4, 2021

Trong bản tin kỳ hai của năm 2021 này, chúng tôi sẽ cập nhật các sự kiện, chủ đề như sau:

  1. EPLegal tham gia các toạ đàm về Hoà giải thương mại tại Việt Nam vả Giải quyết tranh chấp trực tuyến và giới thiệu nền tảng hoà giải trực tuyến
  2. Luật sư Nguyễn Trung Nam – Luật sư sáng lập của EPLegal đã tham gia talkshows của VIArb về Chiến lược vụ kiện Trọng tài Quốc tế
  3. EPLegal sẽ tham gia Hội thảo trực tuyến về Cập nhật phát triển của Trọng tài Quốc tế tại Châu Á và Cuộc thi Trọng tài giả định về Luật Thương Mại Quốc Tế 2021
  4. Cập nhật pháp lý về Nghị định 15/2021/NĐ-CP, Nghị định 21/2021/NĐ-CP, Nghị định 28/2021/NĐ-CP, Nghị định 18/2021/NĐ-CP, 4 Án lệ mới và Quy hoạch điện VIII
  5. Phân tích pháp lý của chúng tôi về Chi phí và Tính lãi suất trong vụ kiện Trọng tài.

Để biết thêm thông tin về Bản tin của chúng tôi, vui lòng xem tại đây: Bản tiếng Việt | Bản tiếng Anh